Skip to content

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò

(Dân trí) – Trải qua nhiều nghề mưu sinh từ khi 8 tuổi, chị Trương Thị Hạnh nay làm chủ của 20 tiệm bún bò tại TPHCM và các tỉnh, thành khác. Mỗi ngày, các quán của chị bán 3.000-4.000 tô.

Năm 1993, có một cô bé gốc Huế 8 tuổi hằng ngày lang thang trên đường phố TPHCM để bán từng tờ vé số, kiếm tiền nuôi cả gia đình ở quê.

Hơn 32 năm sau, ít có ai ngờ cô bé có hoàn cảnh khó khăn, phải sống trong khu trọ chật hẹp đó đã là chủ của 20 tiệm bún bò tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 1

Từ một cô bé bán vé số, chị Hạnh trở thành chủ của 20 tiệm bún bò tại TPHCM, Quảng Ngãi,… (Ảnh: Nguyễn Vy).

Tiệm bún bò “nghìn tô”

Sáng sớm, chị Trương Thị Hạnh (39 tuổi, quê tại TP Huế) đã có mặt tại quán bún bò số 136 Hiệp Bình (TP Thủ Đức, TPHCM). Dù 20 tiệm bún bò có hơn 40 nhân viên phục vụ, bà chủ vẫn không để bản thân nghỉ ngơi.

Thấy khách vào, chị Hạnh tươi cười chào, ra hiệu cho nhân viên đến tư vấn món ăn. Bà chủ thì tay áo xắn cao, luôn sẵn sàng trong khu vực bếp, làm ngay những tô bún nóng hổi.

“Món này ăn nóng mới ngon. Để người khác làm tôi cũng không yên tâm, phải tự tay vào bếp mới được”, chị Hạnh cười.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 2

Quán đông khách nhất là mỗi sáng sớm, cuối chiều, thời điểm người lao động đi làm và tan sở (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bà chủ tiệm bún cho hay, mỗi tô bún bò có giá dao động từ 40.000 đến 60.000 đồng. Mỗi ngày, 20 quán bún của chị thường phục vụ hơn 4.000 tô. Dù vậy, so với thời điểm trước giai đoạn Covid-19, lượng bán hàng vậy là đã giảm 30-40%.

“Để có một tô bún bò ngon thì nước dùng phải hoàn hảo. Đặc trưng của quán tôi là nguyên liệu dùng mắm ruốc, người nấu cân đối sao cho nước dùng không bị quá nồng nhưng vẫn giữ được độ đậm đà.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 3

Chị Hạnh cho biết, bún bò ngon phụ thuộc vào độ đậm đà của nước lèo (Ảnh: Nguyễn Vy).

Bún và thịt bò cũng được tôi lấy từ quê vào. Bò miền Trung đa phần được cho ăn cỏ, rơm, rạ và không quá già nên thịt rất thơm, mềm”, chị Hạnh chia sẻ.

Theo chị Hạnh, thứ không thể thiếu khi nấu bún bò chính là cái tâm của người bán. Đối với mỗi nồi nước lèo, mỗi cân thịt hay từng cọng hành, chị Hạnh đều tỉ mỉ chuẩn bị.

Hơn hết, khi thấy người lao động có hoàn cảnh khó khăn đến quán, chị Hạnh cũng chủ động cho nhiều thịt một chút để khách được ăn no.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 4

Các nguyên liệu như thịt bò và bún, đều được chị lấy từ quê nhà miền Trung (Ảnh: Nguyễn Vy).

Lòng thương người và sự cần cù

Trên gương mặt luôn nở nụ cười tươi, chị Hạnh chợt trầm ngâm khi kể về quá khứ cơ cực của mình.

Sinh ra và lớn lên tại Huế, chị Hạnh là chị cả của 2 người em trai. Thời đó, ba mẹ chị làm nghề đan tre truyền thống, mỗi ngày chỉ kiếm được vài ngàn đồng. Ông bà chỉ có thể bù đắp sự thiếu thốn vật chất cho các con bằng tình thương yêu.

Năm lên 6 tuổi, chị Hạnh đã ra chợ phụ mẹ bán giỏ tre. Nhận thức được hoàn cảnh khó khăn, cô gái gốc Huế sau đó chủ động nghỉ học để đỡ đần ba mẹ.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 5

Có tuổi thơ cơ cực, chị Hạnh chưa từng than trách mà coi đó là động lực vươn lên (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ít năm sau, chị đã chân ướt chân ráo theo người cô vào TPHCM rồi nhận bán vé số, đậu phộng luộc đi bán dạo, kiếm tiền gửi về quê phụ ba mẹ nuôi các em. Mỗi ngày, chị kiếm được 10.000 đồng từ công việc này. Nghĩ rằng thành phố dễ kiếm tiền hơn ở quê, chị viết thư tay gửi cho ba mẹ, nhắn nhủ gia đình cùng vào TPHCM với mình.

“Lúc đó bán vé số, bề ngoài đen nhẻm nên tôi bị người khác dè bỉu lắm. Tôi cũng nhiều lần tủi thân khi thấy những đứa trẻ đồng trang lứa có cuộc sống đủ đầy, được ba mẹ cưng chiều, đưa đi đây đó. Nhưng tôi không bao giờ trách số phận mình vì ngay từ nhỏ, tôi biết bản thân mình sẽ vươn lên được”, cô bộc bạch.

Lên 14 tuổi, chị Hạnh nảy ra ý tưởng làm gánh phở, bún riêu, bún bò ra khu vực chợ Đa Kao (quận 1) bán. Nhờ được mẹ dạy cách nấu ngay từ nhỏ, các món của chị được nhiều thực khách ủng hộ.

Quẩy gánh được một thời gian, bà chủ 14 tuổi thấm cái khó điều kiện mưa, nắng bất chợt của Sài Gòn.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 6

Chị Hạnh bất kỳ ai cũng có cơ hội thoát nghèo, vấn đề là nắm bắt cơ hội đến với mình (Ảnh: Nguyễn Vy).

“Nắng thì đổ bệnh, mưa thì phải tìm chỗ chạy. Nhiều khi không có nơi trú, tôi và cả gánh hàng phải ướt nhem, xôi hỏng bỏng không. Lúc đó chỉ biết khóc thôi. Vì bán dạo nên cũng nhiều lần tôi bị đuổi, chật vật lắm”, chị Hạnh rưng rưng nhớ về ấp ủ mở quán của mình.

Khi kết hôn và sinh đứa con đầu lòng, chị không quên được khoảnh khắc vay tiền để mua chiếc xe đẩy, mang theo con đi bán bún rong. Mãi sau này, đến lúc mang thai đứa con thứ hai, chị Hạnh mới “bấm bụng”, thuê mặt bằng đầu tiên và đặt tên cho quán bún bò của mình.

Tiếng lành đồn xa, quán bún bò của chị Hạnh thời điểm đó bán hàng tạ bún mỗi ngày, thực khách ra vào liên tục. Thấy họ hàng ở quê có hoàn cảnh khó khăn, chị liền bỏ tiền túi thuê thêm một mặt bằng khác để người thân cùng vào TPHCM mưu sinh.

Thói quen khiến cô bé 8 tuổi bán vé số thành bà chủ 20 tiệm bún bò - 7

Thực khách thích thú thưởng thức món bún bò Huế (Ảnh: Nguyễn Vy).

Dần dà, từ 2 chi nhánh, giờ đây thương hiệu của chị đã mở rộng lên 20 chi nhánh thuộc sở hữu của gia đình chị và 20 chi nhánh do chị nhượng quyền. Chị còn tạo việc làm cho hơn 40 người, phần lớn là người thân trong gia đình, từ hoàn cảnh khó khăn nay có thể lo cho các con ăn học.

Để có được ngày hôm nay, chị Hạnh tiết lộ là nhờ một “thói quen” khó bỏ.

“Đó chính là làm gì cũng làm hết sức mình và luôn lạc quan về ngày mai. Hơn nữa, tôi tin vào luật nhân quả. Chỉ cần bản thân đối xử tốt với người khác, chắc chắn sẽ có được thành quả mà mình mong đợi”, bà chủ gốc Huế tâm niệm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *