Sống Tây thế nào là “chuẩn”?
Theo bạn hiểu “sống Tây” là như thế nào? Quan niệm “sống Tây” có phải là cách các bạn trẻ, thậm chí là những ông bố bà mẹ trẻ “thể hiện mình”. Hay một bạn người Việt có một anh chồng Việt truyền thống mà sống theo phong cách “hơi Tây Tây” thì có bị cho là chạy theo trào lưu, xu hướng hay không?
Vợ chồng Việt sống kiểu Tây
Mị có một cô bạn thân, lần nào tới nhà nó chơi cũng thấy anh chồng đang cặm cụi trong bếp. Chẳng phải làm màu làm mè gì mỗi khi có khách tới, cô bạn kể: “Nhà mình thế đấy, chẳng ngại việc nấu ăn mà kể cả chăm con cũng thế, còn khéo hơn mình nữa kìa.” Không chỉ thế, cặp bạn đều đặn mỗi cuối tuần đều cùng nhau đi siêu thị, thi thoảng gửi con nhờ ông bà trông rồi vi vu đâu đó vài ngày. Chưa kể nó còn khoe đám nhỏ có tí tuổi đã ngày ngày nhận việc hết rửa chén rồi lau nhà từ ba mẹ. Cô bạn chốt như chắc nịch: “Dạy con tự lập từ bé, tốt cho con mà cũng thảnh thơi cho mình”.
Nhìn nhận một cách khách quan thì tôi thấy đó cũng là một cách sống Tây hay ho, tự hỏi có mấy cặp chịu sống theo phong cách như vậy?
Con nhà mình “Tây” quá
Đây là lời than thở của bác tôi về cô em họ 25 tuổi, học bên Anh hơn 7 năm trở về làm việc! Bác hay trách về việc cô con gái nhỏ lại chọn quyết định ra ở riêng dù vẫn đang độc thân, suốt ngày cứ đi đây đi đó, công việc bận tối mặt, chối bay chối biến mỗi khi cha mẹ nhắc chuyện lấy chồng. Đi kèm đó là cả trăm lời than ngắn thở dài vì sự khác nhau giữa quan điểm truyền thống của bố mẹ và quan điểm hiện đại phương Tây của cô bé.
“Em thì chưa sẵn sàng, em muốn trải nghiệm thêm và muốn sống cho mình trước.” Nhưng nào đâu phải ai cũng thấm thía được điều ấy, đặc biệt là ở thế hệ bố mẹ chúng ta – những con người mang đậm truyền thống Á Đông, sống vì mọi người. Và đấy là mấu chốt của những cuộc tranh cãi khi tư tưởng Ta của bố mẹ xung đột với tư tưởng Tây của những đứa con đi du học về.
Câu chuyện của gia đình tôi chỉ là một trường hợp trong hàng ngàn trường hợp ngoài kia khi những đứa con đi du học về vẫn đang nỗ lực để thay đổi suy nghĩ cũ của thế hệ đi trước.Và nhiều khi, câu chuyện phải là giải thích để bố mẹ hiểu: Chúng ta không cần suy nghĩ quá nhiều về việc người khác nghĩ sao về mình, chỉ cần sống đúng với bản thân là tốt lắm rồi.
Sống Tây hay Ta cũng được
Nhiều lúc tôi tự hỏi: Tại sao người ta lại tự vạch ra một ranh giới vô hình giữa hai phong cách sống trong khi chung quy lại thì Tây hay Ta cũng được, miễn là – mình mang lại cho gia đình những điều tốt đẹp
Tôi, một nhân viên văn phòng, vẫn có thể vừa làm tốt vai trò của một người mẹ đơn thân, vẫn nấu cho con những bữa ăn ngon, vẫn có thể duy trì tập gym 3 lần/tuần. Hay thi thoảng, nhờ vả người thân trông cháu để tận hưởng cuộc sống với một chuyến đi chơi xa vì con đã dần quen và học được cách tự chăm sóc bản thân từ bé. Bởi Tôi luôn quan niệm, lo cho mình trước cũng là lo cho gia đình và tôi sống vì mình trước.
Ngần ấy năm cuộc đời, tôi nhận thấy sống vì mình chẳng có gì là ích kỷ. Và xung quanh tôi, ngày càng có nhiều người ủng hộ cho lối sống tích cực này. Nếu không tự lo cho sức khoẻ của bản thân mình thì ai sẽ lo? Không có kế hoạch tài chính sẵn sàng thì ai sẽ tài trợ cho những kì nghỉ trong mơ của mình? Mình có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt mới có đủ điều kiện để chăm lo cho gia đình.
Nếu như ngày xưa, người đời hay quan niệm hy sinh ngày nay sẽ có hạnh phúc ngày sau hay hy sinh để được tôn vinh thì trong thời hiện đại này tôi chọn sống vì mình trước. Hãy thử nghĩ, dù bạn chọn sống hy sinh hay sống vi mình thì cũng chung một đích đến – một cuộc sống lâu hơn, khỏe hơn và hạnh phúc hơn.
Là bạn, bạn sẽ chọn cách sống nào?