Skip to content

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi… xếp xó?

(Dân trí) – Nhiều địa phương nỗ lực để xây dựng sản phẩm thế mạnh địa phương (OCOP), tốn tiền, tốn công sức để làm hồ sơ xếp hạng, gắn sao. Tuy nhiên, không ít sản phẩm OCOP gặp khó sau khi đạt chứng nhận.

Sản phẩm gắn sao kén khách, khó tiêu thụ

Hơn 1 năm sau khi miến gạo của gia đình được công nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) 3 sao, bà L.T.N., xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân không còn mặn mà với OCOP.

Mỗi năm gia đình bà N. xuất bán hơn 100 tấn miến thành phẩm các loại nhưng sản lượng miến chuẩn OCOP của gia đình chỉ bán được khoảng 2 tạ. Đơn hàng chủ yếu là khi xã, huyện đặt.

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi... xếp xó? - 1

Bà N. tốn thêm 10.000 đồng cho mỗi nửa cân miến nếu sử dụng hộp bao bì chuẩn OCOP (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo bà N., đóng hàng OCOP tốn thời gian bởi theo quy định phải cho vào hộp giấy, khối lượng 0,5kg/hộp. 0,5kg miến bọc túi bóng bán với giá 12.000 đồng, khi bỏ vào hộp “nâng cấp” thành OCOP thì phải bán giá 22.000 đồng/0,5kg mới có lãi. Tính ra, một hộp đựng miến “ngốn” 10.000 đồng.

“Để lan tỏa mặt hàng, gia đình tham gia nhiều hội chợ nhưng hàng OCOP ế ẩm bởi giá đắt. Khách hàng chi tiền mua sản phẩm bỏ trong túi ni lông chứ không mua hộp giấy”, bà N. nói.

Bà N. cho biết, làm OCOP chi phí sản xuất đều tăng, nhất là việc in ấn bao bì, mã QR và công đóng gói. Hơn 1 năm “gia nhập” OCOP, gia đình bà tốn hàng chục triệu đồng cho việc làm hồ sơ, in hộp giấy. Cuối cùng, một số sản phẩm OCOP… xếp xó.

Nói đến đây, bà N. đưa tay vào khe cửa, lấy ra hai hộp bẹp dúm có in lô gô, nhãn hiệu giới thiệu về sản phẩm OCOP miến gạo của gia đình cho chúng tôi xem.

Khi tham gia làm sản phẩm OCOP, gia đình bà N. nhận được chính sách hỗ trợ và kỳ vọng sản phẩm khi có thương hiệu sẽ bán chạy hơn, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sản phẩm gắn sao OCOP không như kỳ vọng.

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi... xếp xó? - 2

Mỗi năm bà N. bán hơn 100 tấn miến thông dụng, miến OCOP chỉ được… 2 tạ (Ảnh: Hạnh Linh).

“Phải tìm kiếm thị trường chứ không trông chờ được vào mác OCOP. Hiện, gia đình tôi không làm mẫu mã hộp giấy chuẩn theo sản phẩm OCOP nữa. Thay vào đó, chúng tôi in túi bóng đóng gói sản phẩm để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian sản xuất, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng”, bà N. cho biết.

Không chỉ bà N. mà nhiều chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện Thọ Xuân đang gặp khó bởi thị trường tiêu thụ, chi phí phụ “ăn theo” lớn. Người đăng ký chứng nhận sản phẩm OCOP phải đầu tư chi phí sản xuất, tiêu tốn tiền để thuê đơn vị thiết kế mẫu mã, bao bì, mã QR, lô gô, nhãn hiệu… 

Ông Nguyễn Văn Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thọ Xuân, thừa nhận một số sản phẩm OCOP trên địa bàn đang gặp khó. Các hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Khi tham gia OCOP rồi, thị trường đầu ra không có nhiều thay đổi, vẫn theo các kênh bán hàng truyền thống.

“Các hộ tham gia vào OCOP vẫn bán được hàng nhưng hàng đóng gói theo quy định OCOP thì bán còn chậm. Lý do khách hàng chưa nhận thức rõ về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm. Hàng OCOP có mẫu mã, lô gô, nhãn hiệu thì sẽ đắt hơn. Thậm chí có sản phẩm bao bì, hộp đựng chiếm 1/3 kinh phí”, ông Vinh nói.

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi... xếp xó? - 3

Huyện Thọ Xuân có nhiều sản phẩm nem được công nhận OCOP 3 sao (Ảnh: Hạnh Linh).

Hiện 32 sản phẩm OCOP của Thọ Xuân đã được đưa lên sàn giao dịch điện tử. Song lượng hàng bán ra từ kênh này đến nay UBND huyện này cũng chưa có thống kê cụ thể.

Không muốn đánh giá, xếp hạng lại

Thực tế, nhiều sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa còn nhỏ lẻ, manh mún, thậm chí mới hình thành, chưa có kênh tiêu thụ ổn định.

Ngoài mục tiêu giúp địa phương về đích nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao thì một số chủ thể OCOP mong muốn sản phẩm của mình được gắn sao là để khẳng định chất lượng, có thương hiệu, bán được hàng, gia tăng giá trị. Về mặt văn hóa, OCOP giới thiệu được văn hóa truyền thống của địa phương, kích thích khách hàng đến du lịch.

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi... xếp xó? - 4

Chủ thể dưa vàng OCOP không muốn đăng ký xét công nhận lại (Ảnh: Hạnh Linh).

Tuy nhiên, chi phí sản xuất lớn, giá thành sản phẩm cao dẫn đến hàng hóa ế ẩm, chủ thể gặp khó khăn trong sản xuất sản phẩm.

Theo ông Bùi Công Anh, Phó chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM Thanh Hóa, tại hội nghị đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa đợt 1 năm 2023, có 9/12 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm OCOP, còn 3 sản phẩm là dưa chuột baby, dưa lưới Taki (sản phẩm 4 sao) của huyện Quảng Xương và rượu Chi Nê (sản phẩm 3 sao) của huyện Hậu Lộc không tham gia đánh giá xếp hạng lại.

Cũng theo ông Bùi Công Anh, OCOP là một chương trình lớn. “Các sản phẩm OCOP đều vận hành theo kinh tế thị trường. OCOP “chết” là khi chủ thể thụ động trong sản xuất, chưa biết cách bán hàng, tiếp cận khách hàng, trông chờ vào nhà nước bao tiêu”, ông Anh nói. 

Sản phẩm thế mạnh, nhận xếp hạng để rồi... xếp xó? - 5

Việc phát huy, lan tỏa được OCOP hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố (Ảnh: Hạnh Linh).

Theo ông Anh, một số sản phẩm hết hạn, các chủ thể không tham gia đánh giá là vì họ chuyển hướng sản xuất và một số sản phẩm thực sự không được như kỳ vọng. 

“Nhà nước hỗ trợ các chủ thể tiền in bao bì, nhãn mác, làm thương hiệu với mục đích “chắp cánh” cho sản phẩm. Khi dùng hết số bao bì đã in bằng tiền hỗ trợ thì chủ sản phẩm không in nữa, thành thử không phát huy được ưu điểm của OCOP, OCOP không được lan tỏa, không được như kỳ vọng”, ông Anh cho biết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *