(Dân trí) – Từ những gò cát trắng bạc màu, nhiều hộ dân ở Bình Định đã nỗ lực cải tạo, mạnh dạn đầu tư, trồng thử nghiệm các loại hoa, bất ngờ thu lãi gấp 4-5 lần so với cây hoa màu khác.
Vùng đất thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) có nhiều diện tích gò đồi toàn cát trắng bạc màu, khó trồng được cây gì hiệu quả ngoài củ khoai, củ mì (sắn). Vì vậy, cuộc sống người dân bao đời qua luôn khó khăn.
Vài năm trở lại đây, nhờ sự cần cù của người dân, những gò cát trắng bạc màu đã hồi sinh, biến thành những ruộng hoa “đẻ” ra tiền. Từ đó, đời sống người dân cũng được cải thiện, nhiều hộ có nguồn thu nhập chính từ nghề trồng hoa.
Nhìn cơ ngơi khang trang của hộ bà Nguyễn Thị Sành (67 tuổi, ở thôn Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc), ít ai nghĩ rằng trước đây gia đình bà cũng thuộc diện khó khăn ở địa phương.
“Trước đây, người dân thôn Gia An Nam khổ lắm, cát trắng cằn cỗi mỗi năm chỉ trồng được 1 vụ hoa màu như khoai, hành, kiệu. Từ ngày có một người dân ở địa phương lên Đà Lạt mưu sinh, khi về quê đem theo một số giống hoa trồng thử và cho hiệu quả, bà con học theo. Nghề trồng hoa ở Gia An Nam cứ vậy phát triển mạnh đến nay”, bà Sành kể.
Theo bà Sành, hiện thôn Gia An Nam có gần 50 hộ trồng hoa, chủ yếu là hoa cúc, vạn thọ, đồng tiền, ly, lay ơn,… Nghề trồng hoa mang lại cho gia đình bà thu nhập ổn định, tăng đều sau mỗi năm khi mở rộng quy mô canh tác.
“Năm 2013, gia đình tôi đã thu lãi 40 triệu đồng từ trồng hoa, một con số mơ ước khi đó. Những năm tiếp theo, gia đình tôi liên tục thu lợi nhuận, có năm lãi trên 100 triệu đồng chỉ một vụ hoa Tết”, bà Sành cho hay.
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trồng hoa, bà Sành chia sẻ, muốn cây hoa phát triển tốt, sau 2 năm trồng hoa phải chuyển qua trồng bắp (ngô), cỏ sữa để hút hết chất phân dư, tạo độ tơi xốp rồi mới trồng hoa trở lại.
Chuyên trồng cúc vạn thọ bán dịp Tết, ông Đặng Văn Lai (ở thôn Gia An Nam) kể: “Năm nào gia đình tôi cũng trồng trên 20.000 chậu, nhưng để có hoa giao cho bạn hàng thì phải đi gom từ các hộ trồng nhỏ lẻ trong thôn. Mỗi vụ hoa Tết, tôi thu về 60-70 triệu đồng. Hàng tháng tôi cũng trồng lai rai để có hoa bán vào ngày rằm, mùng một, mỗi đợt thu 2-3 triệu đồng”.
Theo ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, thôn Gia An Nam có 160 hộ dân, trong đó có 46 hộ tham gia mô hình trồng hoa.
“Vùng đất ở Gia An Nam là cát trắng bạc màu, xưa kia chỉ trồng một vụ khoai hoặc cây hoa màu khác nhưng kém hiệu quả. Từ ngày người dân trồng hoa, hiệu quả cao hơn gấp nhiều lần so với cây hoa màu khác. Nhờ đó, đời sống của nhân dân trong vùng này ngày càng ổn định, nhiều hộ vươn lên làm giàu”, ông Tý nói.
Ông Tý cho biết thêm, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có quyết định công nhận xã Hoài Châu Bắc đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và công nhận làng nghề trồng hoa Gia An Nam, xã Hoài Châu Bắc.
“Sắp tới, địa phương đầu tư về hạ tầng giao thông, thủy lợi và một số công trình khác, để phục vụ sản xuất cho người dân làng nghề trồng hoa Gia An Nam”, ông Tý nói.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, đánh giá Gia An Nam được công nhận làng nghề sẽ là động lực, khuyến khích người dân địa phương tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì phát triển làng nghề ngày càng hiện đại, văn minh, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.