Từ một game thủ có thể chơi game liên tục 48 tiếng đồng hồ, ông Lê Hồng Minh đã sáng lập và trở thành người lãnh đạo VNG – công ty công nghệ và truyền thông xã hội hàng đầu Việt Nam.
Ông Lê Hồng Minh sinh ngày 27/09/1977 tại Hà Nội. Ông hiện đang giữ cương vị Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần VNG – startup hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ và truyền thông xã hội. Năm 2018, ông Minh là một trong 8 cái tên về nhà sáng lập trong lĩnh vực công nghệ tại Đông Nam Á được bình chọn bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN.
Doanh nhân Lê Hồng Minh từng theo học chuyên ngành Tài chính ngân hàng tại Đại học Monash ở Úc. Trong khoảng thời gian du học, ông thường xuyên đi làm thêm ở các cửa hàng tiện lợi, công việc này giúp ông có thêm tiền trang trải cuộc sống cũng như tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm.
Năm 2001, Lê Hồng Minh quyết định trở về Việt Nam để xây dựng sự nghiệp với công việc đầu tiên là nhân viên tín dụng tại công ty Vina Capital. Đến 2003, ông đã cùng một vài người bạn đã quyết định thành lập một quán game với một vài dịch vụ đi kèm. Thời điểm đó, quán game được xem là “nghề tay trái” của ông.
Từ chàng trai nghiệm game đến ông trùm làng công nghệ Việt
Chính niềm đam mê về game nói riêng và công nghệ nói chung đã giúp ông có động lực để thành lập lên VNG vào năm 2004. Thật khó có thể tưởng tượng được 1 tập đoàn công nghệ tỷ đô hàng đầu Việt Nam lại có xuất phát điểm từ 1 cửa hàng game nhỏ với mô hình cafe internet. Trải qua gần 20 năm phát triển, đến nay VNG được biết tới là 1 tập đoàn công nghệ số 1 của Việt Nam.
Tuy làm về công nghệ nhưng chuyên ngành mà ông Lê Hồng Minh theo học lại là Tài chính ngân hàng. Ông từng là du học sinh tại Úc, trong những năm tháng du học nơi xứ người ông có 1 cuộc sống không mấy khá giả, bởi thường xuyên phải làm thêm tại những cửa hàng tiện lợi để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhưng chính đó lại là 1 trải nghiệm tuyệt vời để ông tích luỹ kinh nghiệm, có thêm sự trải đời mà những người bạn cùng thời không có.
Sau khi hoàn thành quá trình học tập và trở về nước, ông bắt đầu với công việc đầu tiên là làm nhân viên tài chính ở VinaCapital. Nhưng tình yêu dành cho game và công nghệ không vì thế mà giảm sút. Năm 2003 sau khi dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự World cyber game (một sự kiện thể thao điện tử mang tầm quốc tế điều hành bởi công ty World Cyber Games Inc – Hàn Quốc), ông đã cùng 1 vài người bạn thành lập 1 quán café internet nhỏ, vừa để kinh doanh và vừa để thoả mãn sở thích chơi game của mình.
Chỉ 1 năm sau khi thành lập quán game, ông đã bỏ việc tại VinaCapital và cùng 4 người bạn thành lập ra Vinagame tiền thân của VNG hiện tại. Vốn thành lập công ty ban đầu nằm 4,5 tỷ đồng, ông Minh góp 2,62 tỷ đồng, tương đương với 58% cổ phần.
Mở đường cho kỷ nguyên game Việt Nam
Sự ra đời của Vinagame vào năm 2004 đã tạo ra bước chuyển mới không chỉ riêng lĩnh vực game online mà còn cả cho lĩnh vực công nghệ khi đó.
Sau 1 năm ra đời, Vinagame bứt phá mạnh mẽ nhờ ra mắt game Võ Lâm Truyền Kỳ. Trò chơi này nhanh chóng được công đồng game thủ trong nước săn đón, hưởng ứng và đạt 1 triệu người chơi chỉ sau 1 thời gian ngắn ra mắt. Phải nói, Võ Lâm Truyền Kỳ là nền móng xây dựng thương hiệu và doanh thu cho Vinagame cũng như là liều thuốc Dolphin tiếp thêm sức mạnh để Lê Hồng Minh vượt qua những ngày tháng khởi nghiệp ban đầu đầy khó khăn.
Từ sự thành công vang dội của Võ Lâm Truyền Kỳ, ông Minh và những người đồng sáng lập đã nỗ lực không ngừng, tiếp tục cho ra mắt, và phát hành nhiều loại game khác, cùng lúc đó vinagame cũng mở rộng quy mô hoạt động sang mảng kinh doanh trên nền tảng website.
Tuy thành công từ mảng game nhưng Lê Hồng Minh không bó buộc tư duy và tầm nhìn của mình ở đó. Ông tiếp tục phát triển mạnh trong mảng công nghệ, biến các hoạt động kinh doanh ngày càng trở nên đa dạng và phong phú hơn. Vào năm 2009, Công ty Cổ phần Vinagame quyết định đổi tên thành Công ty Cổ phần VNG cũng đã phần nào khẳng định tầm nhìn và quyết tâm của Lê Hồng Minh là không chỉ dừng lại ở 1 công ty game, mà hơn hết là 1 công ty hoạt động về công nghệ.
Để thực hiện tham vọng đó, VNG bắt đầu với Zing (một hệ thống dịch vụ trực tuyến bao gồm: game online, thanh toán trực tuyến và thông tin giải trí đồng bộ trên internet), hệ thống này bao gồm: Zing MP3, Zing Chat, ZingNews và ZingMe… Trong đó nổi bật nhất phải kể đến Zing MP3 và ZingMe, nếu như Zing MP3 cho thấy thành công ngoài mong đợi thì ZingMe (Mạng xã hội đầu tiên tại Việt Nam) lại sớm nhận trái đắng.
Lê Hồng Minh cũng là CEO đầu tiên tại Việt Nam tham gia và sự kiện ký kết biên bản ghi nhớ với Nasdaq (1 trong 3 sàn chứng khoán lớn nhất nước Mỹ) vào năm 2017 với tầm nhìn đưa VNG trở thành doanh nghiệp trong nước đầu tiên thực hiện IPO tại đây.
Năm 2014, ông Lê Hồng Minh và VNG vinh dự đón nhận bằng khen và huân chương lao động hạng 3 do Thủ tướng Chính phủ trao tặng. Hiện Lê Hồng Minh đang sở hữu hơn 15% cổ phần tại VNG, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty này.
Bên cạnh Lê Hồng Minh, VNG còn sở hữu đội ngũ lãnh đạo đầy tài năng có tiếng tăm trong giới kinh doanh như ông Đặng Việt Dũng – Giám đốc mảng thanh toán của VNG (Cựu CEO của Uber Việt Nam) hay ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc VNG, từng là người đạt giải 3 trong cuộc thi Trí tuệ Việt Nam…
“Kỳ lân” đầu tiên của làng công nghệ Việt
Vào năm 2014, Công ty nghiên cứu thị trường World Startup Report đã định giá VNG lên tới 1 tỷ USD, biến công ty này trở thành Startup “kỳ lân” đầu tiên của Việt Nam. Hiện tại, VNG đang được định giá lên tới 2,2 tỷ USD.
Trong sinh nhật lần thứ 15 của VNG, ông Lê Hồng Minh đã đặt cho VNG mục tiêu “2332”. Cụ thể, ông lấy năm 2023 là mục tiêu để VNG công ty này đạt 320 triệu người dùng trên khắp thế giới, 320 nghìn đối tác doanh nghiệp và 32 triệu người dùng cho các sản phẩm mới. Ông cũng cho hay công ty sẽ tập trung toàn bộ nguồn lực để hướng đến mục tiêu này.
Hơn 15 năm phát triển, VNG đã đa dạng hóa kinh doanh sang nhiều lĩnh vực như điện toán đám mây, quảng cáo, thanh toán kỹ thuật số và truyền thông, đồng thời xây dựng một trong những cơ sở người dùng kỹ thuật số lớn nhất ở Việt Nam.
Theo We Are Social, ứng dụng nhắn tin Zalo của VNG có 62 triệu người dùng, chỉ xếp sau Facebook và YouTube về mức độ phổ biến ở thị trường Việt Nam.
Điều này khiến VNG trở thành ví dụ hiếm hoi về một công ty trong nước đã vượt qua các đối thủ nước ngoài, trong đó có các ứng dụng phổ biến như Line hoặc WhatsApp tại Đông Nam Á.
Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, VNG dự kiến trình kế hoạch kinh doanh năm 2021 với chỉ tiêu doanh thu hơn 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với kế hoạch đề ra năm 2020. Lợi nhuận dành cho cổ đông theo kế hoạch là 4 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến cho Công ty là âm 619 tỷ đồng do chiến lược tiếp tục đầu tư mạnh tay cho Thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch COVID-19.
Ngoài ra, Công ty cũng trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch chào bán Cổ phiếu quỹ cho nhà đầu tư trong nước để phù hợp với quy định mới của Luật Chứng khoán. Số tiền thu về từ chào bán cổ phần dự kiến sẽ được sử dụng để mở rộng và phát triển thị trường (cả trong và ngoài nước), tiếp tục đầu tư cho các mảng kinh doanh chiến lược và đặc biệt là tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các startup tiềm năng.
Chiến lược đồng hành cùng các startup công nghệ này đã được VNG thực hiện từ năm 2020 với khoản đầu tư hơn 80 tỷ đồng vào doanh nghiệp vận tải công nghệ Ecotruck vào Quý IV/2020 và thương vụ đầu tư trị giá 138 tỷ đồng vào Got It – nền tảng quà tặng điện tử tiên phong tại Việt Nam trong Quý I/2021.
Kết thúc nửa đầu năm 2021, VNG đạt tổng doanh thu 3.508 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2021. Lợi nhuận sau thuế 221 tỷ đồng, giảm 17%. Nhưng lợi nhuận ròng đạt 438 tỷ đồng, tăng 19%.
Kết quả này sáng sủa hơn nhiều so với kế hoạch kinh doanh mà đại hội đồng cổ đông VNG đã thông qua vừa qua.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của VNG ghi nhận mức gần 8.400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn là 4.945 tỷ đồng, chiếm 59% cơ cấu. Vốn chủ sở hữu của công ty 6.313 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 6.656 tỷ đồng.
Đáng chú ý lượng tiền mặt và tiền gửi của công ty tiếp tục tăng hơn 400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm lên 4.945 tỷ đồng vào thời điểm cuối quý II.
Động lực khởi nghiệp cho thế hệ trẻ Việt Nam
Theo ông Lê Hồng Minh, trong thời đại thế giới phẳng, mọi thứ có thể gói trọn trong lòng bàn tay thì thế hệ trẻ có quá nhiều cơ hội để phát triển.
Ông Lê Hồng Minh cho biết, thời điểm cách đây khoảng 20 năm thì Internet là một cái gì đó rất kỳ diệu đối với các bạn trẻ. Nó có một sức hút kỳ lạ mà không một ai có thể bỏ qua nó. Internet được nhiều người ví giống như một “phép lạ” có thể kết nối bạn bè khắp toàn cầu và góp phần thay đổi hoàn toàn tất cả các phương tiện liên lạc truyền thống trước đây.
Vào năm 2004, bằng khả năng nhìn thấy tương lai của công nghệ, ông Lê Hồng Minh bàn với bạn bè rằng phải làm một thứ gì đó có thể thay đổi cách nhìn của thế hệ trẻ tại Việt Nam và đưa họ vào một thế giới mới – nơi mà mọi thứ được gói gọn trong lòng bàn tay.
“Tôi rất mê chơi game, có khi dành cả 2 ngày trời để luyện. Rồi một ngày, cùng vài người bạn, chúng tôi nghĩ, ồ, hay mình thành lập một công ty làm game xem sao nhỉ. Và rất may mắn cho chúng tôi là game đầu tiên đã thành công. Hành trình của tôi với VNG khởi đầu một cách tình cờ như thế thôi”, ông Lê Hồng Minh tâm sự.
Trong sự thành công của VNG, ông Lê Hồng Minh tiết lộ rằng mọi thứ bắt nguồn từ một ý tưởng hay ho và có giá trị. Ý tưởng quan trọng đến mức nó có thể quyết định phần lớn khả năng thành công.
“Nếu muốn xây dựng những doanh nghiệp tỷ USD tiếp theo của Việt Nam thì ý tưởng là một trong những nhân tố quyết định thành công. Nhưng ý tưởng từ đâu mà có, đó là phải nhìn vào thực tế xã hội, xem xã hội đang cần cái gì thì làm cái đó. Các bạn còn quá trẻ, quá nhiều sự lựa chọn nhưng tôi khuyên các bạn hãy chọn lấy những ý tưởng mà chưa một ai dám nghĩ đến trước đó thì mới có khả năng tạo ra sự khác biệt”, Chủ tịch HĐQT VNG cho lời khuyên.
Dưới góc nhìn của vị doanh nhân này, nếu những doanh nghiệp nào đang bỏ qua công nghệ, không chú trọng công nghệ thì chắc chắn rất nhanh thôi sẽ bị bỏ lại phía sau, kể cả đó là những doanh nghiệp đã phát triển từ hàng chục năm trước khi công nghệ tiến vào Việt Nam.
Công nghệ đang thay đổi thế giới một cách chóng mặt. Năm năm trước, quảng cáo – marketing số là một lĩnh vực rất rất hứa hẹn. Nhưng bây giờ AI lại đang dần thay thế một chuyên gia marketing số. Do đó, ông Lê Hồng Minh cho rằng các startup hiện nay đang có nhiều lợi thế nhưng cũng là những thử thách không hề nhỏ.
Từ đó, Chủ tịch VNG khuyên các bạn trẻ khi bắt đầu một công ty đừng quá quan tâm đến việc phải làm sao gọi vốn thật nhanh. Trước tiên, họ phải làm ra được sản phẩm có giá trị thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội và được thị trường đón nhận.
“Đừng lo lắng sẽ thất bại vì nếu chưa làm mà sợ thất bại thì lấy cái gì để mà thành công. Làm startup không hào nhoáng lung linh như nhiều bạn trẻ bây giờ nghĩ, mà sẽ có vô vàn những thời điểm khó khăn, những thách thức ghê gớm khiến bạn muốn từ bỏ. Tuy nhiên, nếu thấy khó khăn mà từ bỏ thì sẽ không bao giờ nhìn thấy được thành công ở ngay phía trước.
Khi bạn làm điều gì đó vì đam mê, mà không quá ám ảnh với áp lực phải thành công ngay lập tức, phải kiếm được nhiều tiền, thì rất có thể, một điều gì đó khác thường, đặc biệt sẽ đến với bạn”, ông Minh bộc bạch.
Theo Doanh nhân Việt Nam
Sau VinFast, đến lượt VNG nộp hồ sơ lên sàn NASDAQ Mỹ
VNG vừa thông báo VNG Limited đã chính thức nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC). VNG Limited, cổ đông của VNG, dự kiến sẽ chào bán ra công chúng (IPO) cổ phiếu phổ thông loại A tại sàn chứng khoán NASDAQ Global Select Market với mã giao dịch “VNG”.
VNG Limited là tổ chức nước ngoài có trụ sở tại quần đảo Cayman (Cayman Islands), đồng thời là cổ đông lớn nhất của VNG. Tổ chức này có hai người liên quan là người nội bộ tại VNG gồm Tổng giám đốc – ông Lê Hồng Minh (sở hữu 12,27% vốn) và Phó Tổng giám đốc thường trực – ông Vương Quang Khải (sở hữu 4,99% vốn).
Được biết, Citigroup Global Markets Inc., Morgan Stanley & Co. LLC, UBS Securities LLC và BofA Securities, Inc. sẽ là các nhà bảo lãnh phát hành cho đợt IPO này. Quy mô giao dịch và khoảng giá chào bán hiện chưa được xác định.
Trước đó vào ngày 5/1/2023, cổ phiếu VNZ của Công ty cổ phần VNG đã giao dịch phiên đầu tiên trên thị trường UPCoM ở mức tham chiếu 240.000 đồng. Với 35,8 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, ước tính giá trị vốn hóa của VNG trong phiên chào sàn đạt hơn 8.600 tỷ đồng, tương đương hơn 360 triệu USD.
Được thành lập từ năm 2004, VNG đã nỗ lực vươn lên từ một công ty khởi nghiệp 5 người để trở thành công ty công nghệ có hệ sinh thái số thuần Việt lớn nhất Việt Nam, với các sản phẩm và dịch vụ gắn bó mật thiết với cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người dùng.
Theo Newzoo, VNG hiện là nhà phát hành game dẫn đầu thị trường Việt Nam và đang mở rộng nhanh chóng ở thị trường toàn cầu, đồng thời sở hữu Zalo, ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất Việt Nam với hơn 75 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S. Các sản phẩm tiêu biểu khác của VNG bao gồm Zing MP3 (nền tảng nghe nhạc trực tuyến lớn nhất Việt Nam với hơn 28 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, theo F&S) và ZaloPay (ví điện tử có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, theo F&S).
Hồ sơ đăng ký theo Mẫu F-1 sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh và chưa được Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) công bố hiệu lực.
Theo Nhịp sống thị trường