Skip to content

Ngư dân tỷ phú ở làng biển nhiều biệt thự nhất Bình Định

(Dân trí) – Với đội tàu 10 chiếc, ngư dân Nguyễn Văn Thượng đạt doanh thu 10 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với thu nhập bình quân 7-10 triệu đồng/tháng.

Từ bạn tàu đến ông chủ đội tàu cá tiền tỷ

Ở tuổi 50, anh Nguyễn Văn Thượng ở khu phố Lâm Trúc 2, phường Hoài Thanh, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, trở thành ông chủ đội tàu khai thác xa bờ với 10 chiếc. Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm khoảng 1.000 tấn, doanh thu trên 30 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi 10 tỷ đồng.

Ngư dân tỷ phú ở làng biển nhiều biệt thự nhất Bình Định - 1

Ngư dân Nguyễn Văn Thượng (Ảnh: Doãn Công).

Theo anh Thượng, 16 tuổi, anh đã theo bố đi biển với các chủ tàu cá ở địa phương hành nghề câu mực khắp cả nước như Quảng Ninh, Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu… Năm 2000, anh chuyển về Bình Định, theo nghề “săn” cá ngừ đại dương, khi đó vừa phát triển mạnh ở địa phương.

“Ngày xưa nghèo khổ lắm, gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Nhà tôi có 5 anh chị em. Lúc còn nhỏ, tôi thấy mẹ tôi chỉ có nghề trồng rau, nuôi mấy anh em không nổi nên tôi nghỉ học theo bố đi biển”, anh Thượng kể lại.

Anh Thượng cũng cho biết, ban đầu, anh đi bạn với các chủ tàu ở địa phương. Khoảng 6-7 năm sau, anh tích góp đủ tiền hùn vốn với mấy anh em đóng 1 con tàu, sau đó, anh đủ tiền đóng riêng 1 chiếc tàu hành nghề câu cá ngừ đại dương.

Ngư dân tỷ phú ở làng biển nhiều biệt thự nhất Bình Định - 2

Ngư dân Bình Định khai thác cá ngừ sọc dưa (Ảnh: Văn Thượng).

Năm 2009, gia đình anh Thượng đã sở hữu 4 tàu câu cá ngừ đại dương. “Thời đó, nghề câu cá ngừ đại dương rất thịnh, sản lượng khai thác cao, giá cá có thời điểm 180.000 đồng/kg, nên có tàu trúng cả tỷ đồng là bình thường. Những năm đó, 4 tàu cá của tôi thu bình quân phải 3-4 tỷ đồng”, anh Thượng cho hay.

Năm 2022, anh Thượng sở hữu 10 tàu cá nhưng chuyển sang nghề lưới vây, chủ yếu đánh bắt cá ngừ sọc dưa.

Tạo sinh kế giúp nhiều ngư dân thoát nghèo

Theo anh Thượng, đội tàu 10 chiếc của anh góp phần tạo việc làm cho cả trăm lao động với thu nhập 7-10 triệu đồng/tháng.

Ngư dân tỷ phú ở làng biển nhiều biệt thự nhất Bình Định - 3

Ngư dân Bình Định trúng đậm cá ngừ sọc dưa nhờ dùng chà dụ cá (Ảnh: Doãn Công).

“Lương thuyền trưởng 10 triệu đồng/tháng, lương thuyền viên là 7 triệu đồng, Anh em câu mực kiếm thêm mỗi người  3-4 triệu đồng/tháng. Tôi trả lương theo tháng, anh em cứ ra khơi không biết lỗi hay lãi đều có tiền nên ai cũng thích đi bạn với tàu của tôi”, anh Thượng chia sẻ.

Trong cuộc sống, các thuyền viên nếu gia đình gặp khó khăn, anh Thượng luôn sẵn sàng hỗ trợ. Đặc biệt, các thuyền trưởng tàu cá đều có cuộc sống khá giả, nhiều người trước đây chỉ có 2 bàn tay trắng, nay đã xây được nhà lầu.

Thuyền trưởng Nguyễn Thái Nhật (40 tuổi, ở phường Hoài Hương, thị xã Hoài Nhơn) trước đây là thuyền viên, thu nhập bấp bênh. Sau này, anh Nhật được anh Thượng cho vay 500 triệu đồng để hùn vốn đóng tàu mới. Ăn nên làm ra, đến nay, anh Nhật đã xây dựng nhà cao 2 tầng khang trang.

Ngư dân tỷ phú ở làng biển nhiều biệt thự nhất Bình Định - 4

Những năm gần đây, tại các xã biển ở thị xã Hoài Nhơn, nhà cao tầng mọc lên san sát (Ảnh: Doãn Công).

Anh Nguyễn Văn Thạch (40 tuổi) cũng được anh Thượng cho vay 450 triệu đồng để góp vốn đóng mới tàu cá BĐ-97445 TS. Cuộc sống thuyền trưởng Thạch dần ổn định, nhà cửa khang trang.

“Tôi cho anh em vay mượn, góp vốn làm ăn, ai góp nhiều thì chia lợi nhuận nhiều, đây cũng là cách tạo động lực cho anh em lao động tích cực. Ngày Tết, tôi không ép buộc anh em phải ra khơi khai thác, nhưng ai đi thì mình lì xì mỗi người 2-3 triệu đồng để động viên”, anh Thượng chia sẻ.

Ngư dân khai thác xa bờ gặp khó

Hầu hết tàu cá ngư dân khai thác xa bờ đang gặp những bất cập với thiết bị giám sát hành trình.

“Nhà nước quy định về lắp thiết bị giám sát hành trình, tàu cá bị mất tín hiệu giám sát, bắt buộc sau 10 ngày vào đất liền khai báo, nếu không sẽ bị xử phạt. Ngư dân rất trăn trở, bởi chi phí 1 chuyến biển tốn kém 200 triệu đồng, chưa kể cuộc sống mưu sinh của hơn 10 thuyền viên, chẳng may vừa ra khơi chưa đánh bắt mà máy bị hỏng phải chạy vào bờ thì rất bất cập. Nếu được 3 ngày, thậm chí 2 ngày cho ngư dân vào các đảo để xác nhận thì hợp lý hơn”, anh Thượng kiến nghị.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *