Một phần nguyên nhân khiến các bạn trẻ thất bại khi kinh doanh quán cafe là bởi suy nghĩ “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào”. Nhiều người lặn lội mắc công đào mà khoai chẳng thấy đâu, lại còn mất luôn cả vốn liếng.
Uống cà phê không chỉ là thói quen mà còn là văn hóa của người Việt. Nhiều người nghiện cà phê mỗi sáng sớm, nếu không được uống 1 ly có lẽ sẽ khó tỉnh táo để làm việc. Ngoài ra, đi uống cà phê còn là cơ hội để mọi người tụ họp với nhau trò chuyện tán gẫu, là nơi mọi người ngồi giải quyết công việc hay sinh viên học bài…
Cũng chính bởi vậy mà kinh doanh cà phê là một trong những ngành hot của thị trường Việt Nam hiện nay. Với hàng loạt các thương hiệu, nhiều chuỗi cửa hàng cà phê lớn nhỏ trong lẫn ngoài nước xuất hiện và cạnh tranh với nhau. Quán cafe phủ sóng khắp cả các tỉnh thành, từ thành phố lớn đến thôn quê, từ đường cái đến ngõ hẻm, đi đâu đâu bạn cũng có thể thấy quán cà phê.
Song, cuộc đời không bao giờ đi theo định hướng mà bạn đã vẽ sẵn và kinh doanh chưa bao giờ là một bài toán dễ tìm thấy lời giải đáp. Nhất là đối với những bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp với mô hình này, để rồi nhận lấy bài học thất bại cay đắng. Chẳng hạn như 2 nhân vật trong các câu chuyện được chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội gần đây.
Làm chủ còn khổ hơn nhân viên
Năm tôi 29 tuổi, mở quán cà phê và bay hết 220 triệu đồng tiền vốn để dành trong mấy năm. Đôi khi không muốn tin, nhưng mà câu nói “người chưa gặp thời thì không thể thành công” quả thực rất đúng.
Cả gia đình, bà con, bạn bè ai cũng không nghĩ là tôi sẽ thất bại tại quán đó.
Tôi bỏ hai tháng tìm vị trí đối diện trường cấp 2 (TP HCM). Tiền nhà 8 triệu đồng, nhân viên 6 triệu/2 người, bao ăn. Bán đồ ăn sáng (fastfood, mì Ý và trà sữa cho học sinh ăn sáng), sau đó là bán cà phê và trà sữa, thức ăn trong ngày, trưa bán cả cơm gà chiên và nhiều món ăn vặt khác.
Học sinh ăn, đứa nào cũng khen, nấu ngon, trà sữa ngon. Vấn đề là chỉ có mấy đứa lớp 6, 7. Nhưng hiếm lớp 6 vì nhỏ nên ít tiền. Còn bọn lớn hơn đã quen trung thành với một quán khác gần đó nên nó không vào quán mình. Học sinh hay có kiểu “trung thành” như vậy.
Tôi gồng một năm tròn. Vất vả, tàn tạ, mệt mỏi, lời không có, tháng nào cũng lỗ do tiền bán không gánh nổi mặt bằng và nhân viên, sau 4 tháng phải cho một bạn nghỉ. Vẫn buộc phải duy trì một nhân viên partime vì học sinh lúc tan học ùa ra bán không kịp.
Cuối cùng bay hết số vốn 220 triệu. Sang lại quán được 100 triệu. Xem như còn 100 triệu để lay lắt sống và nộp CV đi xin việc làm công ty.
Giờ tôi nói thật, ai trải qua rồi sẽ hiểu, làm chủ cực hơn làm nhân viên. Làm chủ vui hôm nay, nhưng không thể không lo ngày mai.
Nhân viên nghỉ, mình không có giờ nghỉ. Thêm nữa bạn nào mà “công chúa” như mình, chỉ quen làm văn phòng, nhảy ra gồng làm kinh doanh mặt hàng ăn uống đảm bảo sẽ mau già, tàn tạ và rất mệt mỏi, thiếu ngủ, lo lắng dẫn đến stress thường xuyên.
Trước khi mở quán, hãy suy nghĩ kỹ xem có sức để tự chà toilet, lau bàn, dậy lúc 5h sáng nấu nướng chuẩn bị và cong lưng dọn dẹp lúc 11h đêm hay không nhé.
Bởi vì chắc chắn tình trạng nhân viên là sinh viên thích thì làm không thích thì nghỉ ngang nhiều lắm, chủ quán tự lực là chính.
***
Khách ngồi cả buổi nhưng chỉ uống cốc cafe 15 nghìn đồng
Sau thời gian làm pha chế, tôi nghỉ việc, bỏ 150 triệu đồng mở quán cà phê tại nhà riêng ở khu dân cư đông đúc tại Bình Dương.
Nguồn cà phê tôi cũng có, bí quyết pha chế tôi cũng biết, lại không tốn tiền thuê mặt bằng…mọi thứ thật thuận lợi. Thế nhưng có một điều mà tôi và nhiều bạn kinh doanh cà phê phá sản vì một lỗi đó là không xác định tập khách hàng của mình mà cứ nghĩ mở bán là sẽ có khách tới mua.
Trong khu dân cư, khách hàng uống cà phê của tôi là các chú trung niên và người già. Trung niên thì trong tuần họ bận đi làm, chỉ cuối tuần mới ra uống vài ly buổi sáng. Còn người già ở nhà rảnh rỗi, ban sáng họ kéo đến uống một ly 15 nghìn đồng nhưng ngồi chơi cờ tướng, đàm đạo đến tận giờ cơm trưa. Trường cấp ba gần đó thì không thấy học sinh đến uống vì có lẽ do thị hiếu các em bây giờ thích quán có máy lạnh, wifi.
Tôi thấy thị trường đồ uống bây giờ đã bão hoà. Các ông lớn đấu đá với nhau còn sứt đầu mẻ trán. Ai có ý định kinh doanh cà phê thì hãy tìm hiểu khách hàng mà mình nhắm tới là ai, là đối tượng có tiềm năng hay không?
Những người bán cà phê và nếm mùi thất bại đều đi theo một con đường chung: Đi làm công ty dành dụm được một ít vốn, cảm thấy chán công việc, mâu thuẫn với sếp, thấy môi trường làm việc không có cơ hội thăng tiến… Nghỉ việc, mở quán cà phê. Bù lỗ, vay nợ, bán lỗ, cắt vốn. Sau đó lại tìm việc mới để kiếm tiền trả nợ.
Động lực chính thôi thúc nhiều bạn mở quán cà phê là bởi nghĩ công việc nhàn hạ, kiếm nhiều tiền. Chính cái suy nghĩ “thấy người ta ăn khoai thì mình cũng vác mai đi đào” khiến các bạn thất bại. Nhiều người lặn lội mắc công đào mà khoai chẳng thấy đâu, lại còn mất luôn cái mai (vốn liếng).
Bài học kinh doanh cần khắc cốt ghi tâm
Mọi người vẫn thường nói với nhau rằng: “Thương trường như chiến trường”. Trong kinh doanh chỉ có thắng – bại. Vậy nên, muốn thành công thì phải thật bản lĩnh và sở hữu những bài học kinh doanh cho riêng mình.
1. Khách hàng họ là ai?
Trong thị trường rộng lớn có rất nhiều khách hàng, bài học kinh doanh cơ bản ở đây là bạn cần xác định rõ phân khúc khách hàng của mình là ai. Càng vẽ rõ bức tranh về khách hàng (thu nhập, độ tuổi, sở thích,…) thì bạn sẽ càng dễ tiếp cận với họ hơn.
Sau khi đã xác định được khách hàng mình là ai, bạn hãy đặt ra thêm các giải pháp để tiếp cận với họ. Ví dụ như có thể thông qua các mạng xã hội, mạng di động, các kênh truyền thông.
Việc bạn xác định đúng khách hàng là một bước thành công trong việc kinh doanh. Bởi vì đó sẽ là người sử dụng và cho bạn ý kiến phát triển sản phẩm trong tương lai, không tìm hiểu kỹ về khách hàng là một sai lầm rất lớn, bạn sẽ không tiếp cận được với khách hàng tiềm năng và thậm chí không thể tiếp tục kinh doanh được nữa.
2. Đừng chờ đợi khách hàng nói cho bạn biết họ cần gì
Đôi khi khách hàng cũng không biết họ cần gì cho đến khi bạn chỉ cho họ biết điều họ muốn.
Bạn hãy cho khách hàng biết họ cần gì thay vì đợi khách hàng nói ra và bạn bắt đầu đi làm ra sản phẩm đó. Một sản phẩm là hữu ích khi bạn thể hiện cho họ biết sản phẩm của bạn là cần thiết với họ.
3. Chọn đúng người, làm đúng việc
Albert Einstein đã từng nói: “Nếu bạn đánh giá một con cá bằng khả năng leo cây thì cả đời (con cá đó) sẽ nghĩ rằng mình ngu ngốc”.
Khi sắp xếp công việc không phù hợp sẽ không phát huy hết được khả năng của nhân viên, tệ hơn có thể gây thất thoát về mặt tinh thần và vật chất.
Giống như việc trong cửa hàng có một nhân viên năng nổ, hoạt bát có khiếu ăn nói và rất thích bán hàng nhưng bạn lại sắp xếp cho nhân viên đó đi dọn và kiểm kê kho hàng. Lâu ngày người nhân viên đó sẽ trở nên chán nản với công việc hiện tại, trong vai trò người làm chủ bạn cũng mất đi một nhân viên bán hàng tiềm năng.
4. Biết nắm bắt thời cơ
Thời cơ chỉ đến với những người biết nắm bắt và tận dụng nó. Với những người biết tận dụng thời cơ, họ sẽ luôn tìm thấy cơ hội của mình, kể cả trong mỗi khó khăn, thử thách. Đây là bài học kinh doanh đắt giá mà nhiều người cần nắm.
Đặc biệt, họ sẽ luôn tìm thấy những hướng đi khác biệt, mới lạ, tránh đi theo những lối mòn sẵn có. Trong kinh doanh, nếu không dám liều lĩnh, thử thách chính mình thì rất khó ghi dấu ấn trên thương trường.
5. Kiên trì, giữ vững lòng tin
Bạn làm gì không quan trọng, quan trọng là bạn sẽ làm được bao lâu? Trong công việc có người nhạy bén có người chậm chạp, tuy nhiên người đi đến đích cuối cùng là người kiên trì với mục tiêu mình đã đặt ra.
Trong các bài học kinh doanh để thành công vững chắc là phải đi từng bước, phải kiên trì hoàn thành từ những bước cơ bản nhất thì mới có thể hoàn thành được mục tiêu lớn. Cần có một sơ đồ phát triển công việc và đặt từng mục tiêu cụ thể cho từng bước.
Nếu vội vàng thành công sẽ không bền vững, bạn phải tập đi rồi mới có thể tập chạy được.
Theo Thethaovanhoa