“Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê…”, Bầu Đức chia sẻ.
Giấc mơ nghỉ hưu non của giới trẻ
Vài năm trở lại đây, nhiều người thuộc thế hệ Gen Z (1997-2012) của Việt Nam nhiệt tình ủng hộ trào lưu FIRE (viết tắt của Financial Independence – Retire Early), là độc lập tài chính và “nghỉ hưu” sớm. Nghĩa là, họ sẽ cố gắng kiếm được một số tiền lớn trong lúc tuổi đời còn rất trẻ và sau đó nghỉ việc để hưởng thụ cuộc sống hay ít nhất là được làm những điều mình thích.
Trên thực tế phong trào FIRE đã bắt đầu từ năm 1992 tại Mỹ khi nhiều chuyên gia so sánh chi phí, thu nhập với thời gian sống của mỗi người. Bằng cách tiết kiệm tới 50-70% thu nhập cho các khoản đầu tư, những người sống theo FIRE có thể bỏ việc, “nghỉ hưu” sớm bằng khoản tiền lãi.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Nghiên cứu Quyền lợi Người lao động (EBRI) năm 2020 (Mỹ), có 11% người lao động hiện nay có kế hoạch nghỉ hưu trước tuổi 60. Trào lưu này cũng nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên toàn thế giới, thậm chí ở Hàn Quốc còn có những cuốn sách phân tích riêng về vấn đề này.
Để theo đuổi trào lưu, những người trẻ sẽ tiết kiệm và đầu tư cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Bởi nếu mỗi năm rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo.
Trong một cuốn sách định nghĩa những người theo lối sống FIRE của Hàn Quốc đã cho những số liệu hỗ trợ những người có ý muốn nghỉ hưu sớm. Giả dụ, họ muốn nghỉ ở độ tuổi 40 thì phải sở hữu tài sản ròng 2 tỷ won (khoảng 20 tỷ VND), hoặc số tài sản gấp 25 lần số tiền chi tiêu hàng năm. Hầu hết những người theo lối sống FIRE cần phải tiết kiệm 60 – 80% thu nhập để hoàn thành mục tiêu nghỉ hưu sớm. Và nếu vậy, thì hầu hết, họ cần có thu nhập khoảng 70 triệu won/năm (khoảng 1,4 tỷ VNĐ) mới có thể theo đuổi lối sống FIRE.
Vào khoảng vài năm trước, có câu chuyện được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội về chàng trai Trung Quốc tên Wang Jing dành tiền mua nhà rồi cho thuê và nghỉ hưu ở tuổi 30. Anh sử dụng số tiền cho thuê nhà để đi du lịch, trải nghiệm và hưởng thụ cuộc sống. Câu chuyện này đã ảnh hưởng đến rất nhiều người trẻ ở châu Á, trong đó có cả Việt Nam.
Thực tế, một điểm đáng chú ý trong câu chuyện, là chàng trai người Trung Quốc đã tiết kiệm được một khoản tiền rất lớn để mua nhà Bắc Kinh và từ đó “dưỡng già” khi mới 30 tuổi. Vậy nên, tiền đề để về hưu sớm, đó là người trẻ phải có tài chính bền vững.
Người trẻ muốn nghỉ, các lão thành chỉ muốn làm việc cả đời
Trong khi giới trẻ ưa thích trào lưu nghỉ hưu sớm thì các bậc lão thành lại đam mê làm việc, thậm chí đến tuổi nghỉ hưu cũng không muốn nghỉ.
Từng chia sẻ trên Tiền Phong, Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức cho biết, ông làm việc bất kể giờ giấc, chỉ tính hết việc mà không tính hết giờ.
“Thời gian làm việc hầu như chiếm gần hết quỹ thời gian của tôi. Tôi làm việc bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu, trên đường ra sân bay, ngồi trên máy bay, khi ăn, khi ngủ. Có ngày tôi bay vài chuyến, có ngày tôi có mặt ở 2-3 nước. Có những ngày, tôi triệu tập 3-4 cuộc họp quan trọng, quyết định những vấn đề có tính chiến lược. Lạ một điều, tôi chưa từng thấy mệt mỏi, chán nản về cả thể chất lẫn tinh thần”.
Khi được hỏi, làm việc vất vả thế có phải vì quá đam mê kiếm tiền?, Bầu Đức khẳng định: “Tôi làm việc quần quật không phải vì tiền. Tiền tôi không thiếu, xài thoải mái ba đời cũng không hết. Tôi cũng không có nhu cầu hưởng thụ. Tôi làm việc chỉ vì đam mê, và nói thật, vì điều gì nữa tôi cũng không thể định nghĩa. Cuộc sống mà, phải có người này người khác. Người đam mê cái này, kẻ đam mê cái kia. Tôi đam mê công việc”.
Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) là người có nhiều phát ngôn mạnh bạo, để đời nhất gắn với sự nghiệp kinh doanh của mình. Năm 2011, bầu Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Ông cũng từng tự hào tuyên bố: “Tôi không quen ai chân dài! Vì tôi không có thời gian và cũng không có sở thích ngắm chân dài. Tôi cũng không biết sau này tôi già có đổi tính đổi nết hay, không nhưng hiện tại tôi chưa có ý nghĩ đó”.
Tỷ phú người Mỹ Joseph Segal là một trong tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tuổi già nhưng trí lực không già. Khi độ tuổi đã qua ngưỡng 90, ông vẫn miệt mài làm việc mỗi ngày, kể cả giờ ăn trưa.
Ông cũng có một thông điệp khuyến khích các doanh nhân trung tuổi là: “Bạn trẻ hơn bạn nghĩ, ít nhất là trên cung đường dài của sự nghiệp”.
“Cuộc sống giống như một chuyến bay. Bạn dần tăng tốc khi bạn còn trẻ. Bạn đang bay khi bạn ở độ tuổi 40, 50, 60 hoặc 70 và tại một số điểm, bạn hạ cánh. Tôi đang hạ cánh nhưng tôi vẫn đang cố gắng để được bay tiếp”, tỷ phú Joseph Segal nói.
Tại Mỹ, đi làm qua tuổi 80 đang trở thành xu hướng. Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, 650.000 người hơn 80 tuổi ở nước này năm ngoái vẫn làm việc. Con số này tăng 18% so với 10 năm trước. Một số phải quay lại làm việc vì lạm phát và thị trường chứng khoán biến động. Nhưng với rất nhiều người, lý do đơn giản chỉ là họ muốn thế.
Diễn viên Harrison Ford (81 tuổi) vừa ra mắt phần phim Indiana Jones mới nhất. Nhà động vật học Jane Goodall (90 tuổi) vẫn đang tìm cách bảo vệ loài tinh tinh. Ca sĩ Smokey Robinson (84 tuổi) vẫn đang đi tour.
Daniel Jaffe (85 tuổi) – sáng lập hãng luật Jaffe Family Law Group tại Los Angeles – cho biết ông thích đến các hội thảo và tán gẫu trong các quán bar. Nếu không làm việc nữa, ông sẽ chẳng còn cơ hội làm những điều này.
Còn với nhóm CEO, có hai người trên 80 tuổi. Đó là CEO Berkshire Hathaway Warren Buffett (93 tuổi) và CEO Teledyne Technologies Robert Mehrabian 82 tuổi.
Nếu phải tưởng tượng hình ảnh của một doanh nhân khởi nghiệp ngành công nghệ, với startup mới nhất là một hãng an ninh mạng, không ai nghĩ đến CEO 87 tuổi như Marjorie Zingle.
“Tôi thích tham gia các cuộc họp, và khiến mọi người ngạc nhiên”, CEO DataHiveSecure cho biết. Bà nổi tiếng trong lĩnh vực điện toán đám mây và khẳng định lĩnh vực này vẫn hấp dẫn với mình. Bên cạnh đó, vì là một góa phụ, Zingle không hào hứng với việc nghỉ hưu mà không có bạn đồng hành.
Vài thập kỷ qua, bà vẫn liên tục làm việc và tạo ra các công ty, để chứng minh cho những người nghi ngờ bà, rằng họ đã sai lầm. “Tôi không thể dừng lại được”, Zingle cho biết.
Stephen Greyser (88 tuổi) đến nay vẫn làm cho Trường Kinh doanh Harvard và đã soạn thảo hơn 300 case study (tình huống nghiên cứu). Ông cho biết không có ý định phá vỡ kỷ lục (hơn 500 case study), mà chỉ thích làm công việc này. “Cái này được gọi là tình đồng nghiệp – sự hợp tác và cảm giác vui vẻ khi được ở trong một tổ chức”, ông kết luận.
Chưa cống hiến đừng vội nghỉ
Không ít trường hợp “dở khóc dở cười” vì học đòi nghỉ hưu sớm khiến “khổ chủ” phải hối hận. Businessinsider đưa tin về anh chàng kỹ sư Tony (người Mỹ) quyết định đi làm lại sau 2 năm theo trào lưu FIRE vì nhận ra nhiều điều bỏ lỡ.
Tony khởi nghiệp là một nhà phát triển phần mềm. Sau khi tiết kiệm được số tiền khoảng 6 chữ số nhờ vào nguồn thu nhập cao cùng thói quen chi tiêu tiết kiệm, Tony quyết định nghỉ hưu sớm. Anh trả góp 500 USD mỗi tháng cho một ngôi nhà có đất kèm mua từ một người họ hàng, sau đó bắt đầu cuộc sống nơi trang trại.
Không lâu sau Tony bắt đầu rơi vào trạng thái trầm cảm, lo âu. “Nhờ đặc quyền và may mắn, sau đó là làm việc chăm chỉ, tôi đã đã tiết kiệm được rất nhiều tiền (trong thời gian còn đi làm).
Thế nên khi mới nghỉ việc, tôi thấy rằng: Giờ tôi đã có được tất cả những điều này, tôi có được những phút giây rảnh rỗi, sống trong một trang trại đẹp giữa thung lũng. Tuy nhiên, đây mới là tôi, gã đáng thương. Đó thực sự là quãng thời gian trì trệ nhất tôi từng trải qua”, Tony chia sẻ.
Chưa đầy hai năm sau, Tony quay trở lai với công việc làm bán thời gian trong thế giới công nghệ, và “đó là một quyết định dễ dàng” – anh nói, bởi vì anh phát hiện có ba điều mình đã bỏ lỡ trong thời gian nghỉ hưu, đó là:
Vấn đề lớn nhất: đánh mất sự kết nối với mọi người
Sau khi nghỉ hưu, tôi xây dựng lối sống của riêng mình, tuy nhiên không bao gồm những tương tác thường xuyên với mọi người. Đó là một vấn đề lớn. Tôi nghĩ đáng nhẽ mình nên làm điều gì đó khác biệt như xây dựng các mối quan hệ con người, gắn liền với đời sống, không nhất thiết là hàng ngày, nhưng có thể là hàng tuần. Tony cho biết, ngay cả trong những ngày anh muốn giao tiếp, bạn bè của anh đều bận rộn với hàng tá công việc của họ.
Tony chia sẻ, việc nghỉ hưu sớm cũng khiến anh thiếu đi niềm hạnh phúc thực sự mà công việc mang lại, tức là sự hài lòng khi hoàn tất những công việc mà mỗi cá nhân có sở trường: “Tôi chắc chắn rằng chúng ta thích học hỏi những điều mới, thử sức với những thứ khó khăn, và phần lớn trong số đó là thất bại lặp lại nhiều lần. Điều ấy, sau một lúc nào đó, có thể gây ra sự mệt mỏi.
Thế nên, tôi nghĩ chỉ cần làm một việc mà bạn có năng lực và đón nhận phần thưởng từ nó theo các cách khác nhau”. Tony cũng nói được cùng làm việc với các đồng nghiệp mình tôn trọng thực sự mang lại sự say mê.
Vấn đề thứ hai: Thiếu tiền
Theo Tony, mỗi người nghỉ hưu sớm có thể rút tiền từ các quỹ tiết kiệm hoặc đầu tư của mình, tuy nhiên dòng tiền ổn định xuất phát từ công việc ổn định sẽ bị thiếu.
Vấn đề thứ ba: Nghỉ hưu sớm không dành cho tất cả mọi người
Trên thực tế, Tony cũng giống như nhiều trường hợp khác đã trải qua những vấn đề chung khi quyết định nghỉ hưu sớm, bao gồm mất thu nhập, giảm an sinh xã hội, suy giảm tinh thần và thể chất, mất tương tác và bản sắc, buồn chán, thiếu mục tiêu sống.
Một trường hợp tương tự: Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 34, Sam Dogen từ tổ chức tài chính Samurai đã trải qua một cơn khủng hoảng về nhận diện bản thân. Anh cảm thấy bế tắc, thất vọng vì không hạnh phúc hơn nhiều so với khi còn đi làm, và cảm giác mất mục đích sống. Và giống như Tony, anh đã mất đi các đồng nghiệp ở nơi làm, và muốn kiếm tiền nhiều hơn nữa.
7 năm sau đó, anh quyết định đi làm lại toàn phần, vì muốn “được là người bình thường một lần nữa”.
Theo chuyên gia, một công việc có thể mang đến những cơ hội mà bạn không thể tự mình có, nhất là khi làm việc cho một tập đoàn lớn mang lại cho bạn nhiều cơ hội. Vì thế, theo ông, nếu một người nghỉ việc cảm thấy mình thiếu đi quá nhiều thứ, cách dễ dàng nhất chính là tìm một công việc mới, và không nên cảm thấy xấu hổ vì điều đó.
Theo Đời sống & pháp luật