Ở tuổi 60, khác với những tỷ phú khác như Jeff Bezos hay Bill Gates – những người đã từ bỏ đế chế nghìn tỷ USD của họ, về hưu hoặc theo đuổi dự án cá nhân, “vua chip” Jensen Huang mới bắt đầu gặt hái thành công với Nvidia.
Cách đây ba năm, thời điểm đại dịch COVID-19 hoành hành khiến người người nhà nhà phải ở trong nhà, khi đó Nvidia đã phải tổ chức một buổi ra mắt sản phẩm lớn qua mạng internet.
Một đoạn video được đăng tải lên kênh YouTube của công ty với tiêu đề “Jensen đang nấu thứ gì”, đã trình bày thứ mà CEO Jensen Huang úp mở – một bộ chip mới nhất của Nvidia được vị CEO 60 tuổi lấy ra từ lò nướng của mình.
“Tôi có thứ này muốn cho bạn xem,” Huang nói trong khi với lấy một cái giá đỡ nồi. “Cái này đã nấu được một lúc,” ông nói trước khi nhấc một bảng mạch có kích thước bằng một tấm nướng bánh ra khỏi lò. Theo giới thiệu, đó là card đồ họa lớn nhất thế giới của Nvidia.
Kể từ thời điểm đó, Jensen Huang có thể không ngờ sản phẩm được ra mắt ngày hôm đó đã đưa Nvidia vụt sáng, giúp CEO 60 tuổi kiếm bộn tiền còn công ty của ông thì chạm mốc giá trị vốn hóa 1.000 tỷ USD. Sau Jeff Bezos của Amazon, Jensen Huang là người thứ hai dẫn dắt công ty mà họ sáng lập chạm tới cột mốc xuất sắc này.
Tuổi 60 rực rỡ của Jensen Huang
CEO Jensen Huang sinh năm 1963 tại Đài Loan (Trung Quốc). Trước khi tới Mỹ, ông từng có quãng thời gian chuyển tới Thái Lan. Cuối những năm 1960, cha ông đã tới Mỹ trong một chuyến đào tạo nhân sự. Khi trở về, ông thề sẽ gửi hai con trai sang Mỹ. Đó là lý do trong những năm sau đó, mẹ ông dạy hai anh em tiếng Anh không thiếu một chữ nào.
“Mỗi ngày, mẹ sẽ chọn ra 10 từ bất kỳ và yêu cầu chúng tôi đánh vần, giải thích nghĩa. Mẹ tôi thậm chí còn không biết các con nói đúng hay sai. Dù vậy, giấc mơ của cha mẹ đã đưa chúng tôi tới với nước Mỹ. Tôi nợ họ rất nhiều”, ông Jensen Huang chia sẻ.
Trong những ngày mới tới Mỹ, công việc đầu tiên của CEO Nvidia là làm việc trong Denny’s, một chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng tại Mỹ. Sau đó, ông làm việc trong nhiều tiệm đồ ăn nhanh khác nhau, bao gồm cả Pizza Hut và McDonald’s. Sự thay đổi đến với Jensen Huang khi gia đình chuyển tới Tacoma, Washington, nơi ông đã chứng minh cho cả thế giới thấy sự khác biệt.
Kỹ năng thể thao của ông đã giúp bản thân về đích ở vị trí thứ ba trong giải Vô địch Bóng bàn Mỹ mở rộng khi mới 15 tuổi. Về con đường học vấn, ông tiếp tục theo học cho đến khi tốt nghiệp Đại học Bang Oregon vào năm 1984 với bằng kỹ sư điện. Nhiều năm sau, ông hoàn thành bằng thạc sĩ tại Đại học Stanford.
Năm 1993 – thời điểm Jensen Huang chạm mốc 30 tuổi, ông cùng với Curtis Priem và Chris Malachowsky sáng lập Nvidia, dưới sự hậu thuẫn từ Sequoia Capital của Thung lũng Silicon. Huang được so sánh với cố CEO Apple, Steve Jobs. Ông có một hình xăm lấy cảm hứng từ logo của Nvidia trên tay, hình ảnh của ông đi liền với công ty sản xuất chip này.
Huang cực kỳ nổi tiếng ở Đài Loan (Trung Quốc) – nơi được ví là trung tâm chip bán dẫn toàn cầu. Ông được chào đón như một ngôi sao nhạc rock trong chuyến thăm Đài Bắc tuần này để tham dự một hội chợ thương mại. Sự kiện có hành nghìn người tham dự và một số người đã vây quanh CEO Nvidia để chụp ảnh.
Sản phẩm của Nvidia giờ là trung tâm của các xu hướng công nghệ lớn, từ trò chơi điện tử đến ô tô tự lái, đến điện toán đám mây và giờ là AI – trí tuệ nhân tạo. Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt nhờ những dự báo doanh số xuất sắc từ sự bùng nổ của AI.
Kể từ khi ra mắt ChatGPT của OpenAI, giá trị của Nvidia đã tăng vọt từ khoảng 420 tỷ USD lên mức hiện tại. Cơn sốt của ChatGPT nhanh chóng tạo ra cuộc chạy đua trong lĩnh vực AI, thu hút nhu cầu của nhiều đại gia công nghệ với mẫu chip H100 – hệ thống đầu tiên trên thế giới được thiết kế cho siêu AI.
Thành công của Huang một phần bắt nguồn từ mong muốn giải quyết các vấn đề hóc búa của khoa học máy tính bằng sự kết hợp giữa phần mềm và phần cứng – một tầm nhìn mà ông đã mất ba thập kỷ để hoàn thiện.
Thành tựu đầu tiên của Nvidia là những con chip chuyên dụng để cung cấp năng lượng cho đồ họa chuyển động cường độ cao cho các trò chơi trên máy tính được gọi là bộ xử lý đồ họa (GPU). Ngay cả khi đó, Huang chưa nghĩ đến ý tưởng Nvidia chỉ là một công ty sản xuất chip.
“Đồ họa máy tính là một trong những phần phức tạp nhất của khoa học máy tính”, Huang nói với khán giả ở Thung lũng Silicon vào năm 2021. Vào giữa những năm 2000, Huang và nhóm của ông nhận ra rằng chip của Nvidia có thể được sử dụng cho các vấn đề máy tính tổng quát hơn và đã phát hành một nền tảng phần mềm có tên CUDA để cho phép các nhà phát triển phần mềm thuộc mọi lĩnh vực lập trình chip Nvidia.
Điều đó đã khởi đầu cho một làn sóng ứng dụng sản phẩm chip của Nvidia, trong đó có tiền điện tử. Ngoài ra, Huang nhận ra rằng các phòng thí nghiệm của trường đại học đang sử dụng chip của Nvidia để làm việc trong lĩnh vực AI, một lĩnh vực khoa học máy tính hứa hẹn cung cấp năng lượng cho mọi thứ, từ trợ lý ảo cho đến ô tô tự lái. Và vị CEO đã đánh cược.
Dĩ nhiên, thành quả hiện tại được xem là sự đền đáp. Nvidia tự tạo sự khác biệt bằng cách gia công phần mềm sản xuất silicon của mình cho các đối tác như TSMC, vượt qua mô hình do Intel thiết lập.
CEO Nvidia Jensen Huang vừa sang Việt Nam, ăn đồ vỉa hè, cam kết biến Việt Nam thành quê hương thứ hai của Nvidia
Sáng 11/12, ông Jensen Huang đã thăm và làm việc tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Cũng trong sáng nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và Chủ tịch Tập đoàn Nvidia cùng tham dự tọa đàm với chủ đề “Xu hướng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và cơ hội cho Việt Nam”.
Chia sẻ tại tọa đàm, Chủ tịch Tập đoàn Nvidia cho biết làn sóng mới về công nghệ đang tới và có thể là làn sóng lớn nhất từ trước đến nay. “Làn sóng mới là cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam. Không quốc gia nào tụt lại phía sau về AI mà có thể phát triển được“, ông Jensen Huang nói.
Chính vì vậy Việt Nam cần tận dụng lợi thế của AI để nắm giữ và phát triển trí tuệ nhân tạo. “Tôi tin Việt Nam đã sẵn sàng, chuẩn bị tốt, đây là thời cơ của các bạn“, ông nhấn mạnh.
Để tận dụng lợi thế của làn sóng mới này, ông cho rằng Việt Nam đã sẵn sàng số hóa khi đa số người dân đã sử dụng được điện thoại di động. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có kỹ sư phần mềm và họ đã sẵn sàng nhảy sang bước tiến mới về AI. Việt Nam cũng thể hiện cam kết mạnh mẽ dành cho một Việt Nam AI, trí tuệ nhân tạo và số hóa.
“Chúng tôi tin tưởng Việt Nam sẽ là quê hương thứ hai của Nvidia và là trung tâm lớn nhất của chúng tôi trên thế giới. Chúng tôi dự định sẽ thành lập pháp nhân tại Việt Nam“, chủ tịch tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới nói.
Một số hình ảnh của ông Jensen Huang tại Việt Nam sáng 11/12:
Theo Doanh nhân Việt Nam, VTCnews
- Xem thêm về:
- Jensen Huang
- ngành bán dẫn
- Nvidia
- sản xuất chip