(Dân trí) – Đang làm công việc khá ổn ở một tập đoàn danh tiếng tại TPHCM, anh Nguyễn Văn Mân quyết định từ bỏ, về quê đầu tư tiền tỷ làm nhà “dụ” chim trời về ở, thu tiền tỷ mỗi năm.
Anh Nguyễn Văn Mân (42 tuổi, ở khu phố Cửu Lợi Bắc, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) được biết là người đầu tiên nuôi chim yến thành công ở Tam Quan Nam. Hiện anh Mân là Phó Chủ tịch hiệp hội yến sào tỉnh Bình Định.
Theo anh Mân, năm 2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng TPHCM, anh xin làm tại một tập đoàn, với công việc chuyên thiết kế xây dựng, lắp đặt thiết bị cho nhà dụ chim yến ở các huyện ven biển phía bắc Bình Định.
“Thời gian đầu chỉ làm công ăn lương, nhưng 2 năm gắn bó với công việc đã nung nấu trong tôi đam mê với loài chim trời quý hiếm này. Cuối năm 2019, sau khi bàn kỹ với gia đình, tôi quyết định nghỉ việc, bắt đầu hành trình nuôi chim yến từ đó đến nay”, anh Mân cho hay.
Sẵn kinh nghiệm trong tay, anh Mân tự tin đầu tư gần 1 tỷ đồng để xây dựng 1 nhà nuôi yến ở Cửu Lợi Nam, xã Tam Quan Nam.
Nhờ lợi thế của vùng đất ven biển rất lý tưởng để chim yến về ở nên chỉ 1 năm sau, nhà nuôi yến của anh Mân thu hút gần 1.000 cặp yến về làm tổ, sinh sản. Ngay vụ đầu tiên, anh khai thác được gần 10kg yến thô.
Nắm bắt cơ hội, anh Mân không ngừng nghiên cứu, tìm hiểu sâu hơn về quy trình, công nghệ nuôi yến bền vững. Số lượng chim yến, theo đó, tăng theo cấp số nhân.
Năm 2014, anh Mân tiếp tục đầu tư 5 tỷ đồng xây thêm nhà yến số 2, quy mô 4 tầng tại khu phố Cửu Lợi Bắc. Đến nay, 2 nhà yến của anh đã có 5.000-6.000 con chim yến về làm tổ, sinh sản.
“Khi chim yến con trưởng thành, tự rời khỏi tổ kiếm ăn mới bắt đầu khai thác tổ không trứng để yến tiếp tục xây lại tổ. Có vậy yến mới gắn bó, không rời đi nơi khác. Trung bình mỗi năm 2 nhà nuôi yến của anh cho khai thác 50-60kg yến thô”, anh Mân chia sẻ.
Năm 2016, anh Mân thành lập Công ty TNHH yến sào Yến Mân chuyên sơ chế, cung cấp các loại tổ yến và sản phẩm từ yến. Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và cung ứng ổn định cho thị trường, ngoài liên kết thu mua của các hộ nuôi yến ở địa phương, anh xây dựng thêm 6 nhà nuôi yến ở tỉnh Gia Lai.
Theo anh Mân, mỗi tháng công ty xuất ra thị trường 20-25kg yến thành phẩm với nhiều mức giá khác nhau, ước tính mỗi năm cho thu nhập khoảng 1 tỷ đồng sau khi đã trừ chi phí.
Hiện nay, các sản phẩm yến của công ty có mặt gần 50 cửa hàng trong và ngoài tỉnh với nhiều sản phẩm đa dạng như: tổ yến thô, yến tinh chế, yến rút lông định hình, yến chưng sẵn…
Trong đó, sản phẩm yến sào tinh chế, yến rút lông được cấp chứng nhận đạt chất lượng tiêu chuẩn Việt Nam và 5 sản phẩm tinh chế từ yến được công nhận OCOP (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh) 3 sao cấp thị xã.
Cùng với việc sản xuất kinh doanh yến sào, anh Mân còn đảm nhiệm vai trò khảo sát, tư vấn thiết kế chuyển giao công nghệ xây dựng nhà nuôi yến cho 75 hộ dân trên địa bàn phường, tạo cơ hội làm giàu chính đáng trên quê hương.
Ngoài ra, công ty góp phần giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 20 lao động, với thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam, nhận xét: “Những năm qua, công ty yến sào của gia đình anh Mân luôn đồng hành cùng sự phát triển chung của phường nói riêng, thị xã nói chung.
Anh Mân tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, khuyến học khuyến tài, đặc biệt còn tạo ra nhiều sản phẩm OCOP tiêu biểu, chất lượng cho địa phương”.